Bánh Ram Ít: Ăn Ít Nhớ Hoài

Khi nhắc đến ẩm thực Huế, chắc hẳn không ai có thể cưỡng nổi và không nhắc tới các loại bánh như: bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm… Nhưng món bánh được nhiều người nhớ nhất khi đặt chân đến Huế có lẽ là bánh ram ít.

Sở dĩ bánh ram Huế trở nên đặc biệt là vì nó được kết hợp từ hai loại bánh khác nhau, khi ăn tạo cảm giác vừa giòn vừa dẻo, rất béo nhưng không gây ngấy như các loại bánh khác vì món này được ăn kèm với nước mắm chua ngọt, rất lạ miệng và tinh tế.

Bánh ram ít có hai phần tách biệt rất rõ ràng: một nửa là bánh ram, và phần còn lại là bánh ít. Mặc dù cách chế biến khác nhau nhưng chúng đều có nguồn góc từ gạo nếp. Người Huế lựa chọn những loại nếp ngon nhất để làm bánh, nếp làm bánh phải trắng và dẻo. Nếp sẽ được xoay nhuyễn thành bột, nghe thì đơn giản nhưng người Huế có công thức xoay bột riêng và điều này cũng đưa bánh ram ít trở thành một đặc sản rất riêng của Huế. Sau khi xoay nhuyễn nếp, người làm bánh sẽ trộn một ít muối, cho nước ấm chậm rãi, từng đợt từng đợt. Người Huế công phu đến nỗi, họ nhồi bột bằng tay, tuy rất thủ công nhưng việc này sẽ đảm bảo bột sau khi nhồi sẽ trở thành một khối chắc mịn, rất mềm nhưng không nhão. Bột sẽ được nặn thành các viên nhỏ, kích thước cỡ hai ngón tay, đây là công đoạn tạo ra bánh ít. Tôm sẽ được lột vỏ và để nguyên con, thịt ba chỉ sẽ được cắt thành hình hạt lựu, nêm tí đường, nước mắm ngon, hành tím bầm nhuyễn, thêm chút mỡ, tiêu, sau đó sẽ được kho nhỏ lửa trong phòng 20 phút. Sau đó người đầu bếp sẽ thoa ít dầu ăn vào ngón tay, ấn từng viên bột dẹp lại, đặt tôm thịt vào giữa rồi vò lại. Xếp bánh ít ngay ngắn vào khay, hấp cách thủy một cách rất công phu. Khi thấy bánh có độ dẻo và màu trằng ngần là bánh đã sẵn sàng.

Bánh Ram Ít: Ăn Ít Nhớ Hoài

Khác một chút so với bánh ít, khi nhồi bột, người Huế sẽ không cho nhiều nước vào bánh ram, mục đích là tạo cho bột bánh độ cứng nhất định. Bánh ram không cần nhân, và được chiên trên chảo nhiều dầu, đến khi bánh vàng sậm và giòn thì lấy ra.

Sau khi vớt bánh ram ra, đặt một cái bánh ít lên trên bánh ram, dùng thìa ép chặt vào bánh ram, và bánh ram ít được tạo ra từ đây.

Khi bày ra đĩa, người Huế sẽ đặt phần bánh ít trắng tinh lên phía trên, để trông bắt mắt hơn, người ta sẽ rắc một ít bột tôm cháy vàng lên bánh. Một điểm nhấn khiến bánh ram ít trở nên đặc biệt hơn so với các loại bánh khác ở Huế là bánh ram ít sẽ được ăn kèm với nước mắm chua chua ngọt ngọt, được pha chế một cách rất kỳ công và đặc biệt. Không quá mặn hay quá ngọt, thêm vị cay của ớt và một tí vị nồng của tỏi tạo thành một thứ nước chấm hỗn hợp rất ngon và đặc biệt. Sự kết hợp giữa độ giòn tan của bánh ram cùng độ dẻo và mùi tôm của nếp hảo hạng từ bánh ít, vị mặn ngọt tinh tế của nước chấm đã làm nao lòng biết bao thực khách khi họ đặt chân đến vùng đất cố đô này.

Tưởng chừng như bánh ít và bánh ram là hai loại bánh không hề liên quan tới nhau, nhưng từ bàn tay tài nghệ của người phụ nữ Huế, bánh ram ít đã trở thành một món ăn biểu tượng của Huế, nức tiếng ở các vùng gần xa. Từ dân gian, bánh ram ít là món bánh xuất hiện trong các gia đình hoàng tộc thời xưa và dần trở thành một món ăn cung đình. Ngày nay, thực khách có thể dễ dàng tìm thấy bánh ram ít trong các quán ăn vặt hoặc nhà hàng sang trọng hay các gánh hàng rong trải dài khắp cố đô mộng mơ này.