Nói đến ẩm thực Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến lối ăn cung đình sang trọng, một phong cách ẩm thực được hình thành nhằm phục vụ cho các đời vua triều Nguyễn hơn một thế kỷ đóng đô tại đây. Với gần 1.400 món ăn, Huế xứng đáng được mệnh danh là vùng đất có nền ẩm thực phong phú nhất Việt Nam.
Vào thời phong kiến xưa, bộ phận bếp núc chuyên nấu nướng và đảm đương các nguyên liệu làm thức ăn cho cung đình, được gọi là Thượng Thiện Đội. Nhân viên trong đội Thượng Thiện gồm khoảng 50 người, họ phải tuân theo nhiều quy tắc để đảm bảo an toàn cho vua chúa xưa và chịu sự giám sát chặt chẽ từ đội Thái Y nhầm đảm bảo không có bất cứ chất độc nào được bỏ vào thực phẩm cung đình. Những người được nằm trong đội Thượng Thiện đều rất tài ba trong việc nấu nướng và cũng chính họ đã tạo ra một nền văn hóa ẩm thực cung đình và được lưu truyền đến tận ngày nay, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những món ăn nổi bật gắn liền với tên tuổi của họ và cùng khám phá xem một bữa ăn cung đình xưa gồm những gì.
1. Nem công
Đây là món ăn đặc biệt của cung đình vì được chế biến không hề qua nấu nướng hay tác động từ nhiệt. Thịt đùi công sẽ được giã mịn rồi trộn với các gia vị có tính nóng như tỏi, riềng, tiêu, sau đó món ăn sẽ được gói lại và hoàn toàn chín bằng cách lên men vi sinh.
Thịt công có công dụng giải độc rất tốt và món ăn này cũng đòi hỏi cách trình bày hết sức tỉ mỉ, vì thế nó được xếp là món ăn đầu tiên trong hàng bát trân và không thể thiếu trong mọi bữa ăn của bậc vương giả xưa.
2. Chả phụng
Loài chim phụng khá quý hiếm vì tập tính sống ở vùng núi cao, và chim phụng là cái tên được gọi cho chim đực, chim cái gọi là hoàng, vì cùng một loài nên chúng trông rất giống nhau, việc này gây khó khăn trong việc săn bắt vì rất dễ nhầm lẫn. Cũng giống như nem công, thịt phụng sẽ được làm sạch, giã mịn, nêm gia vị rồi cuốn thật chặt vào lá chuối rồi hấp chín. Thịt phụng giàu dinh dưỡng, có tác dụng thảo dược nên có thể bảo vệ tối đa sức khỏe của vua chúa xưa.
3. Da tây ngưu
Tây ngưu hay còn gọi là tê giác là loài chỉ sống ở đồng bằng lớn hoặc rừng sâu, loài động vật này có lớp da được tạo thành từ các lớp chất keo với độ dày tối ưu và được sắp xếp theo cấu trúc lưới, vì thế rất khó săn bắt. Tuy sở hữu lớp da dường như không thể xuyên thủng nhưng chúng cũng có điểm yếu là lớp da ở nách rất mỏng. Sau khi săn bắt thì các Thương Thiện sẽ lóc lớp da này ra rồi đi ngâm nước cho mềm, sau đó chế biến thành món da tây ngưu, món ăn này rất ngon và bổ dưỡng.
4. Bàn tay gấu
Gấu là loài có sức mạnh rất lớn, có thể dùng hai chân trước (tay) khuân một tảng đá to. Khi trú đông, gấu sẽ không ra ngoài để tìm thức ăn mà chúng liếm hai chi trước để sống. Chính vì thói quen này mà người ta quan niệm rằng tay gấu có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Khi chế biến tay gấu, các thành viên đội Thượng Thiện sẽ nhúng chúng vào mỡ đun sôi đủ một trăm lần để làm lông, sau đó hấp chúng với hơn trăm vị thuốc bổ trong thời gian dài. Món ăn này rất bổ dưỡng và nguồn cung rất hiếm nên đã trở thành một món ăn quan trọng, tượng trưng cho sự mạnh mẽ và trường tồn theo quan niệm của vương giả xưa.
5. Gân nai
Nai là loài động vật sống ở núi cao, to lớn hơn loài hươu, khó săn bắt nên món gân nai cũng vì đó mà rất quý hiếm. Công đoạn chế biến món ăn này rất cầu kỳ, đầu bếp sẽ chỉ lấy phần gân ở đùi nai. Thượng Thiện sẽ dùng lửa thui chín đùi nai, sau đó cạo sạch lông, rồi luộc cho thịt thật mềm và dùng dao để xẻ lấy gân. Họ sẽ ngâm gân nai vào nước có pha giấm để sợi gân trắng và mềm hơn. Sau khi gân đã mềm thì hầm chung với các nguyên liệu khác rồi nêm gia vị. Món ăn này có vị rất ngon và gân nai có tính tráng dương, bổ thận, tăng sinh khí nên các vị vua rất ưa dùng.