Trải qua lịch sử hơn một thế kỷ làm thủ đô nước Việt dưới triều Nguyễn, Huế từ lâu đã nổi tiếng về văn hóa, cảnh quan và các phong tục cung đình. Hơn hết, đất cố đô còn tồn tại một nền ẩm thực nghìn năm mà hiếm nơi nào sánh được. Hàng nghìn món ăn từ sơn hào hải vị cho đến dân dã đậm chất và vị Huế, nổi bật trong số ấy chắc hẳn là tré Huế.
Tré Huế là món ăn rất bình dân, sở dĩ món ăn này nổi tiếng là do cách chế biến rất đặc biệt, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cầu kỳ rất cao, hệt như các món ăn khác trong ẩm thực Huế.
Nguyên liệu để làm Tré rất đơn giản, và dễ tìm, nhưng sự tnh tế của chúng nằm ở cách kết hợp lại với nhau. Bàn tay tài tình của người đầu bếp xứ Huế đã kết hợp được các loại nguyên liệu đặc trưng như tỏi, riềng, lá ổi, mè, thính cùng với độ giòn của da heo. Sự kết hợp này hài hòa đến mức có thể giúp tré Huế vinh dự là một trong một trăm món ăn được con dâu thi sĩ Tùng Thiện Vượng Miên Thẩm soạn bằng thơ thất ngôn tứ tuyệt trong cuốn Thực phổ Bách Thiên dạy nấu ăn vào cuối thế kỷ 19.
Thoạt nhìn, ta sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa tré và nem chả, nhưng cách làm của các món ăn này lại hoàn toàn khác nhau. Nguyên liệu tạo nên tré đều chín và bao gồm nhiều vị, không được ủ lên men vi sinh như nem hoặc ít vị như chả.
Tré Huế có hai loại, là tré heo và tré bò, tré heo có màu đỏ nâu, cũng nồng mùi thơm của thính, tỏi, riềng, vị ngọt đậm, hơi chua. Đa số người Huế thường sẽ ăn tré bò, tuy gọi là bò nhưng một lọn tré bò ngon, đậm đà cần phải có thịt ba chỉ ram vàng, cắt sợi và thịt đầu heo.
Nguyên liệu cơ bản để làm nên món tré là bì heo, thịt bò, thịt đầu. Gia vị gồm nước mắm kho, tỏi, mè, củ riềng xắt sợi và thính gạo hoặc thính rang. Có thể công đoạn xắt riềng là “gian nan” nhất vì mùi cay của riềng rất nồng và làm nóng tay bạn. Nguyên liệu cơ bản là thế, nhưng cách kết hợp chúng như thế nào, tỷ lệ ra sao lại tùy vào người làm.
Cách làm tré mang nhiều tính cá nhân hóa, không theo bất kỳ một công thức cố định nào cả vì thế mà mùi vị, màu sắc cũng khác nhau.
Đến Huế Đừng Quên Ăn Bánh Bột Lọc Huế
Gói tré cũng rất quan trọng vì nếu gói không chặt, khéo thì lúc mở lớp lá bọc ra, tré sẽ bị bong ra, không thành khối nhìn kém hấp dẫn hơn hẳn. Lá ổi, một thành phần không thể thiếu của món tré, là lớp lá duy nhất tiếp tiếp xúc trực tiếp với thịt, làm cho món tré thêm phần mùi vị và thứ mùi hương này không thể thay thế hoặc lẫn đi được.
Có một sự thật đáng buồn rằng ngày trước, lọn tré Huế sau khi thành phẩm trông rất đẹp mắt, chúng ta có thể thấy được nét tỉ mỉ, sự công phu của người làm tré. Khi ăn phải lột nhiều lớp lá, khám phá mùi thơm rồi mới thưởng thức được lọn tré bên trong. Nhưng ngày nay, không mấy ai làm tré cầu kỳ và đúng cách như thế nữa, họ cho tré vào lớp nylong nhỏ, sau đó dùng dây thun thắt chặt lại rồi cuốn vào lá chuối; cách gói tré này làm mất đi mùi thơm của lá ổi cùng một số gia vị đồng thời cũng không còn đẹp mắt nhưng gói dễ và nhanh hơn.
Lọn tré sau khi bóc ra có màu ngà trắng hoặc màu đỏ hồng tùy theo cách nêm nếm gia vị. Tô điểm trong lọn ché là lát ớt đỏ tươi, lát tỏi trắng ngà, cay nồng.
Đối với mỗi người dân xứ Huế, tré thường xuyên có mặt trong bữa cơm gia đình và góp phần như một món khai vị, nhấm nháp cùng với rượu sau một ngày dài làm việc mệt mỏi thì thật ấm lòng. Ngoài ra, vào dịp tết, các bà nội trợ Huế thường làm tré rồi nếm thử và bình phẩm lọn tré của nhau, đó cũng là một nét đẹp trong món tré nói riêng và nền ẩm thực dân gian Huế nói riêng.